-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chương trình Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 - “Giao lộ sáng tạo”
Từ ngày 9-17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ được diễn ra với các hoạt động sáng tạo tại các không gian di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ có khoảng gần 100 hoạt động sáng tạo diễn ra. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm…
Ngày 7/10/2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành Kế hoạch số 717/KH-SVHTT về việc tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2024 nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Triển khai các nhiệm vụ cụ thể thực hiện các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, hướng tới xây dựng “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội” trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, thu hút đông đảo các nhà sáng tạo, Nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế đến tham gia. Góp phần kết nối và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn các quận, huyện, thị xã trong quá trình tái thiết đô thị gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Sự kiện nhằm thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, thể hiện tiềm năng đổi mới của Hà Nội. Từ đó, góp phần cộng hưởng, kết nối, đánh thức tinh thần sáng tạo và thu hút các nguồn lực.
Bản đồ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 có chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Lễ hội bao gồm các hoạt động hưởng ứng Lễ hội (được tổ chức vào tháng 10,11/2024) trong đó hoạt động chính của Lễ hội được tổ chức từ 9/11 đến 17/11/2024. Lễ khai mạc Lễ hội được tổ chức từ 19h00 đến 21h30 ngày 09/11/2024 (Thứ Bảy) tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội bao gồm: Công trình biểu tượng; hoạt động Triển lãm- Trưng bày- Sắp đặt; Chương trình nghệ thuật biểu diễn; hội thảo, tọa đàm, trao giải các cuộc thi (Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch Công viên đa chức năng thiết kế Bãi giữa và ven sông Hồng; cuộc thi Không gian và nghệ thuật kiến trúc ; Cuộc thi viết Câu chuyện sáng tạo và trưởng thành của mỗi người, Cuộc thi vẽ thành phố sáng tạo tương lai…); hoạt động cộng đồng, trải nghiệm; Hoạt động diễu hành, tương tác đường phố; Hoạt động truyền thông, thiết kế cộng đồng; Hoạt động thể thao cộng đồng; Hoạt động giới thiệu ẩm thực; Hoạt động tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; hoạt động tại các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố; Hoạt động phối hợp, tham gia của các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố…
Các đại biểu tham quan Tháp nước Hàng Đậu, một điểm nhấn của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023
Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám kết nối trục bắc-nam (phố Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông) và trục đông-tây (dốc Bác Cổ-phố Tràng Tiền). Nơi đây có các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp…
Bên cạnh đó sẽ triển khai các hoạt động sáng tạo tại các không gian di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Các hoạt động của Mạng lưới các không gian sáng tạo của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Tuyến trải nghiệm của Lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với đời sống người dân. Theo đó, Nhà Khách Chính phủ sẽ lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan. Các tour tham quan Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp… sẽ được “kích hoạt”.
Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ có khoảng gần 100 hoạt động sáng tạo diễn ra. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm. Nhiều tọa đàm, hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực sáng tạo cũng sẽ được tổ chức.
Nhiều hoạt động sáng tạo được tổ chức tại khu vực sẽ trở thành cuộc đối thoại giữa các công trình lịch sử với những ý tưởng sáng tạo hiện đại. Từ đó, tìm kiếm vai trò của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc xuyên suốt quá trình xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là tiền đề để thúc đẩy Thủ đô phát triển thành trung tâm sáng tạo của cả nước.
Việc tổ chức Lễ hội là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm định hình, củng cố thương hiệu thành phố sáng tạo của Hà Nội. Thông qua Lễ hội, công chúng càng thêm trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ và khơi nguồn sáng tạo để kế thừa, tiếp nối những giá trị văn hóa mà các thế hệ trước đã xây dựng.
Để hoạt động đổi mới không chỉ khu trú trong không gian Lễ hội, mà còn lan tỏa đến từng người, từng nhà, sự kiện kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố trưng bày tại chỗ các sáng kiến sáng tạo của mình. Sự cộng hưởng này hứa hẹn sẽ mang đến cho khách du lịch được sống trong không khí của một “bữa tiệc sáng tạo” độc đáo, thú vị khi ghé thăm Hà Nội.
Lễ bế mạc, tổng kết các hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo năm 2024 được tổ chức vào ngày 22/11/2024 tại Bảo tàng Hà Nội.
Theo https://sovhtt.hanoi.gov.vn/le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-2024-co-chu-de-giao-lo-sang-tao-duoc-to-chuc-vao-thang-11/