Kết nối du lịch Sóc Sơn với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội

Ngày 18/10/2023, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm du lịch huyện Sóc Sơn với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO chia sẻ “CLB lữ hành UNESCO có 1.200 thành viên sẽ là kênh thông tin để giúp Sóc Sơn thu hút loại hình du lịch thể thao trong thời gian tới”.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Tham dự hội nghị có Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu; Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cùng hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí, chuyên gia du lịch và các cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sóc Sơn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế trở thành trọng điểm du lịch ở phía Bắc Thủ đô. Sản phẩm du lịch của huyện Sóc Sơn đã có sự phong phú về số lượng và loại hình. Ngoài du lịch văn hóa tâm linh, Sóc Sơn đã có thêm các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch thể thao (chơi golf, các giải thi đấu thể thao như: giải chạy Ultra Trail, đua xe địa hình...), vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần...

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC

Bên cạnh đó, Sóc Sơn cũng có một số tour liên kết hấp dẫn là: Tour di tích đền Sóc - chùa Non Nước - Tượng đài Thánh Gióng - Việt Phủ Thành Chương; tour di tích đền Sóc -  Sân gofl Minh Trí; tour di tích đền Sóc  - Sân golf Legand hill. “Với lợi thế gần Sân bay quốc tế Nội Bài, Sóc Sơn có thể trở thành điểm lưu trú và trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế”, ông Trần Trung Hiếu đánh giá.

Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn có sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn đặc thù như: Rau hữu cơ Thanh Xuân, nấm KMS, bánh trưng Hải Yến, trà thảo dược Bắc Sơn, trà thảo dược Tâm Ngọc, tranh gạo Đông Xuân, trà an toàn Bắc Sơn, hạt gỗ HTX trái tim hồng.... có thể lựa chọn làm sản phẩm quà tặng lưu niệm phục vụ bán hàng và quà tặng quảng bá.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Các làng nghề như làng nghề mộc thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng, nghề mộc thôn Tăng Long xã Việt Long... có thể trở thành điểm thu hút khách du lịch. Vùng sản xuất rau an toàn Đông Xuân, sản xuất rau hữu cơ Thanh Xuân, vùng lúa tập trung các xã Tân Hưng, Bắc Phú... cũng có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp du lịch Sóc Sơn phát triển hiệu quả hơn, Ông Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với huyện Sóc Sơn kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, thái độ phục vụ khách du lịch đối với cán bộ, lực lượng lao động du lịch, cộng đồng dân cư trên địa bàn bàn; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn; chỉ đạo, vận động các đơn vị kinh doanh lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn với Mê Linh - Đông Anh và các quận, huyện, tỉnh, thành phố khác nhằm hình thành các tuyến du lịch hoàn chỉnh, tăng thời gian lưu trú dài ngày của khách du lịch.

Các đại biểu làm lễ dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc. Ảnh: TITC

Theo ông Trần Kiên, Phó trưởng Phòng Văn hóa & Thể thao huyện Sóc Sơn, Sóc Sơn nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng của Quốc gia và Thủ đô. Sóc Sơn có sự đa dạng về địa hình với hệ thống đồi, núi, hồ, rừng rộng lớn, nằm xen kẽ nhau tạo thành cảnh quan thiên nhiên rất phong phú, thuận lợi để phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng hiện đại. Nơi đây có nhiều điểm đến nổi tiếng như: Núi Sóc, núi Đôi, hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn với tổng diện tích mặt nước lên đến hàng nghìn héc-ta.

Bên cạnh đó, Sóc Sơn cũng là nơi giàu tài nguyên văn hóa với hệ thống các di tích văn hóa, thắng cảnh, lễ hội nổi tiếng. Trên địa bàn huyện có 341 di tích lịch sử văn hóa và nơi thờ tự với 174 lễ hội được tổ chức hằng năm. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Đền Sóc), 16 di tích xếp hạng di tích quốc gia, 44 di tích được xếp hạng thành phố, 1 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Lễ hội Gióng - đền Sóc)...

Cơ sở lưu trú du lịch Paradise Sóc Sơn Resort mới được đầu tư và đi vào hoạt động. Ảnh: TITC

Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan được xác định là 1 trong 6 cụm du lịch trọng điểm của thành phố với các sản phẩm: Du lịch tâm linh gắn với hội Gióng và hệ thống đền chùa, các công trình tôn giáo; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò...; du lịch thể thao, vui chơi giải trí, trường đua ngựa Sóc Sơn.

Hiện nay, huyện có 204 cơ sở lưu trú với tổng số 1.454 phòng. Dự kiến, quy mô đến năm 2030 sẽ đạt 5.000 phòng. Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến Sóc Sơn đạt gần 1 triệu lượt khách.

Mặc dù được nhận diện là vùng trọng điểm du lịch của Thủ đô nhưng huyện Sóc Sơn vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Do hiện nay Sóc Sơn chưa có khách sạn từ 3 sao trở lên, số lượng khách sạn có khả năng phục vụ đoàn đông khách còn ít. Bên cạnh đó, Sóc Sơn chưa có nhiều điểm vui chơi, giải trí; chưa có nhiều nhà hàng ẩm thực nổi tiếng; sản phẩm hàng hoá địa phương còn đơn điệu; nhiều dự án phát triển du lịch còn chậm so với kế hoạch; nhân lực phục vụ vu lịch chưa được đào tạo bài bản.

Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ chuyên gia du lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Tại hội nghị các đơn vị lữ hành, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của Sóc Sơn, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những công việc để Sóc Sơn cần triển khai sớm trong thời gian tới. Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ chuyên gia du lịch cho rằng, huyện cần có quy hoạch bài bản và thực hiện đồng bộ, đồng thời phải có chính sách đột phá để thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược; nhân lực du lịch phải được chuyên nghiệp với thái độ văn minh; tăng cường liên kết trong phát triển du lịch và quan tâm đến du lịch số.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh du lịch, ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy cho rằng, bên cạnh phát triển du lịch tâm linh, Sóc Sơn có thể đẩy mạnh phát triển du lịch chữa lành, du lịch sinh thái, hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp sạch “từ nông trại đến bàn ăn”.

Ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy. Ảnh: TITC

Trong khi đó, ông Tạ Hữu Chiến, Chủ tịch HĐQT Sunvina Travel cho rằng, huyện cần có chiến lược bài bản để thu hút du khách. Đơn cử, cụm di tích đền Sóc - chùa Non Nước rất đẹp nhưng chỉ chủ yếu thu hút du khách vào 3 tháng lễ hội đầu năm, thời gian khác vẫn vắng khách.

“Huyện Sóc Sơn cần có nhà đầu tư lớn tạo điểm nhấn cho du lịch Sóc Sơn như về lưu trú, cảnh quan. Đặc biệt là cần có sự liên kết vùng, tạo thêm những tour liên kết với ngành giáo dục như tour học đường. Để có được sự liên kết này cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch theo chuyên đề; xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của Sóc Sơn…”, ông Tạ Hữu Chiến nói.

Ông Tạ Hữu Chiến, Chủ tịch HĐQT Sunvina Travel. Ảnh: TITC

Còn theo Phó Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO, Giám đốc Công ty du lịch Ánh Dương Tour, ông Nguyễn Tuấn Anh gợi ý, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn Sóc Sơn cần chủ động quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ đã định hình trên địa bàn huyện, trong đó có thể tận dụng lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài có thể quảng bá dịch vụ tại sân bay.

Ngoài ra, Sóc Sơn nên tận dụng lợi thế địa hình đồi núi, nhiều cung đường đẹp có thể tổ chức các giải chạy để thu hút du khách. “CLB lữ hành UNESCO có 1.200 thành viên sẽ là kênh thông tin để giúp Sóc Sơn thu hút loại hình du lịch thể thao trong thời gian tới”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại Việt Phủ Thành Chương. Ảnh: TITC

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cảm ơn lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và các chuyên gia, hãng lữ hành đã có những đóng góp quý báu cho địa phương trong phát triển du lịch. Đồng thời khẳng định, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị này sẽ được huyện Sóc Sơn sớm đưa vào đề án xây dựng quy hoạch và phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững lấy du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái làm các sản phẩm chủ đạo.

Cùng ngày, các đại biểu tham dự hội nghị đã khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn như: Cụm di tích Đền Sóc, chùa Non Nước, Việt Phủ Thành Chương và một số cơ sở lưu trú du lịch như Paradise Sóc Sơn Resort,

Cơ sở lưu trú du ịch Đồng Quan Garden ở Sóc Sơn. Ảnh: TITC

Theo Trung tâm Thông tin du lịch

Hotline 0915085530
Liên hệ qua Zalo
Messenger