-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
MuongLo Farmstay - farmstay văn hóa bản địa đầu tiên tại Yên Bái
Với tình yêu quê hương và văn hóa dân tộc sâu sắc, chị Đinh Thị Đương mới có thể vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng mô hình farmstay thành công đầu tiên tại tỉnh Yên Bái.
Tọa lạc tại Bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, MuongLo Farmstay là tâm huyết của chị Đinh Thị Đương, một người con Yên Bái mong muốn bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc mình đến bạn bè quốc tế. Với cây xanh trĩu quả, đồng lúa xanh bạt ngàn cùng nét văn hóa người Mường đặc sắc, MuongLo Farmstay là nơi tuyệt vời cho những ai mong muốn tìm một trải nghiệm nhẹ nhàng, ấm áp và bình dị.
Khác với những mô hình homestay đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, farmstay này đã tạo nên sự khác biệt của mình khi chọn cho mình mô hình farmstay cùng những trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa mang đậm dấu ấn của người dân địa phương. Đây là mô hình farmstay lồng ghép văn hóa bản địa đầu tiên tại tỉnh Yên Bái. Theo Nhà Hoạch Định Phạm Thanh Tùng, farmstay lồng ghép văn hóa bản địa là:
- “Farmstay với những dịch vụ, hoạt động bình thường được lồng ghép thêm văn hóa của người bản địa. Văn hóa được lồng ghép ở đây thường là văn hóa của những người dân tộc thiểu số tại địa phương đó như Cơ Tu, Ba Na, Ê-đê,...”
Đa số các khu du lịch về văn hóa bản địa nói chung và farmstay lồng ghép văn hóa bản địa nói riêng tại Việt Nam đang làm theo hướng này. Nhưng theo ông Tùng, đây vẫn chưa thật sự là loại hình farmstay lồng ghép văn hóa bản địa đúng nghĩa vì văn hóa bản địa trong farmstay cần mang tính mở cực kỳ lớn. Tính mở ở đây là sự kết nối, liên kết, hợp tác giữa các điểm du lịch farmstay trên địa bàn để tạo nên trải nghiệm xuyên suốt.
Với tình yêu thiên nhiên và văn hóa bản địa cùng niềm khao khát muốn làm gì đó cho quê nhà, chị Đương đã quyết định nghỉ công việc nhà nước ổn định để bước lên hành trình học tập, trải nghiệm mô hình du lịch, văn hóa bản địa,... của địa phương khác và từng bước xây dựng nên điểm du lịch của riêng mình. Vì mô hình homestay tại địa phương đã bão hòa, chị Đương quyết định mang đến một làn gió mới là mô hình farmstay. Sau thời gian du lịch, học hỏi từ những mô hình du lịch tại tỉnh khác cũng như từ những chuyên gia, người đi trước, năm 2018 chị Đương đã quyết định bắt tay vào cải tạo ngôi nhà cũ trở thành điểm farmstay để đón khách. Sau thời gian hơn một năm cải tạo và thử đón khách, đến năm 2020, MuongLo Farmstay chính thức khai trương, trở thành mô hình farmstay đầu tiên tại xã Nghĩa Lộ.
Cái tên MuongLo Farmstay được chọn xuất phát từ việc phải chọn một cái tên vừa dễ đọc, dễ nhớ nhưng phải mang dấu ấn sâu sắc cho du khách. Đặc biệt, nó phải đủ dễ hiểu để cả khách nước ngoài lẫn khách Việt Nam đều hiểu được. Chính vì vậy, chị Đương đã lấy ngay cái tên Mường Lò đã gắn liến với mảnh đất nơi chị sinh sống, bỏ dấu để trở thành MuongLo, một cái tên nổi bật, dễ nhớ khi đến Mường Lò mà khi cất lên bất kể ai đều hiểu. Từ đó, MuongLo Farmstay chính thức ra đời!
MuongLo Farmstay gồm 3 nhà sàn được cải tạo từ nhà cũ của người dân bản địa với sức chứa khoảng 50 khách. Để mang đến trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc nhất cho du khách, đặc biệt là các du khách nước ngoài, toàn bộ nội thất, vật dụng, đồ trang trí,... được chị Đương lựa chọn tỉ mỉ và đặt hàng từ chính những nghệ nhân bản địa. Chị cũng trồng thêm nhiều cây cối để phục vụ trải nghiệm du lịch nông nghiệp, đặc biệt là cây sim để vừa làm cảnh quan vừa làm nguyên liệu cho các sản phẩm dược liệu.
Du khách đến với MuongLo Farmstay có thể tham quan thiên nhiên tươi đẹp của tỉnh Yên Bái với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, được ăn những món ăn đặc sản địa phương, được hòa mình vào đời sống văn hóa bản địa đặc sắc người Mường. Theo chia sẻ, mỗi tháng MuongLo Farmstay đón khoảng 60 - 80 khách nước ngoài, 80 - 160 khách Việt Nam cùng hàng chục đoàn khách tham quan, trải nghiệm, học hỏi mô hình. Có thể nói, MuongLo Farmstay có thể được xem như là mô hình kiểu mẫu cho farmstay lồng ghép văn hóa bản địa tại Việt Nam.
Farmstay là một mô hình mới tại Việt Nam, chưa có hệ thống pháp lý rõ ràng nhưng mang nhiều tiềm năng to lớn. Dấn thân vào mô hình này thực sự cần sự quyết tâm, dũng cảm và tình yêu quê hương của những người con tại vùng đất đó. Tôi mong rằng MuongLo Farmstay cùng câu chuyện "phất lá cờ đầu" của chị Đương sẽ là nguồn cảm hứng để nhiều người tại Việt Nam tâm huyết có thể xây dựng nên mô hình farmstay của riêng mình!
Theo Vietnamtravel