Top 6 Di sản Văn hóa tại Hà Nội được UNESCO công nhận, vinh danh

Hà Nội có bao nhiêu di sản được UNESCO công nhận, Di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội được Unesco công nhận, Kể tên những di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã được Unesco công nhận, 6 Di sản văn hóa được Unesco công nhận là những từ khóa được tìm nhiều trên Google khi tìm hiểu về Di sản Văn hóa Hà Nội, mời bạn tham khảo Top 6 Di sản Văn hóa thế giới tại Hà Nội được UNESCO công nhận.
Hà Nội sở hữu nhiều danh hiệu do UNESCO trao tặng, nhiều di tích cấp quốc gia như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long -  Di sản Văn hóa thế giới năm 2010; 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh Di sản tư liệu thế giới; Hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc), Nghi lễ và trò chơi kéo co (tại Hà Nội và một số địa phương), tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, còn Ca trù có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. 
1. Nghệ thuật Ca trù - Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (công nhận năm 2009)
Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt. Loại hình nghệ thuật này rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước. Ngày 01/10/2009, Ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
2. Hoàng Thành Thăng Long - Di sản Văn hóa Thế giới (công nhận năm 2010)
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua (Lý - Trần - Lê) xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Ngày 1/8/2010, Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.
3. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc - Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại (công nhận năm 2010)
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng. Hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi Thánh Gióng sinh ra) diễn ra từ ngày 7/9 tháng tư Âm lịch. Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn nơi Thánh hóa, cưỡi ngựa về trời) diễn ra từ ngày 6/8 tháng Giêng Âm lịch. Ngày 16/11/2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại.
4. Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (được công nhận năm 2011)
82 bia tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi, có niên đại từ 1484 - 1780, ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Đó cũng là những tư liệu chân thực, phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam, kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê - Mạc. Hệ thống 82 bia tiến sĩ còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài. Tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 7/2011, 82 bia tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đến tháng 1/2015, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
5. Nghi lễ và Trò chơi kéo co - Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại (công nhận năm 2015)
Nghi lễ và Trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở nhiều nước Đông Á với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy. Tại Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, và một số nơi ở vùng núi phía Bắc. Ngày 2/12/2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại.
6. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại (công nhận năm 2016)
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam. Ngày 01/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại.
Tổng hợp
Hotline 0915085530
Liên hệ qua Zalo
Messenger